Cơ hội trình bày hiểu biết của mình
Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đánh giá đề thi năm nay tuy dài hơn năm trước một câu hỏi nhỏ nhưng đổi lại có nhiều câu hỏi hay, mang đậm tính thời sự của đất nước.
Đề thi đã đề cập đến tình hình đánh bắt thủy hải sản xa bờ đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền ở nước ta. Với những câu hỏi như vậy, học sinh có cơ hội quan tâm và trình bày sự hiểu biết của mình về những vấn đề thời sự của đất nước.
Ông Lịch phân tích: “Nguồn tài nguyên khoáng sản và sinh học đa dạng về chủng loại và trữ lượng khá lớn cho phép chúng ta phát triển nhiều ngành kinh tế biển quan trọng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; dịch vụ du lịch, vận tải biển, sửa chữa và đóng tàu; khai thác tài nguyên khoáng sản đặc biệt là dầu khí, thông tin liên lạc... Trong nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển mang lại đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Biển, đảo trở thành nguồn lực kinh tế to lớn không thể phủ nhận, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng”. Về cách làm câu hỏi này, ông Vũ Quốc Lịch cho biết: “Nội dung câu hỏi hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa địa lý hiện nay, cụ thể ở bài “Phát triển kinh tế biển, đảo”. Tuy nhiên, để làm được câu này, học sinh cần phải có sự tư duy, chắp nối những bài học liên quan. Ví dụ, trong bài về tài nguyên thiên nhiên có nói về việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển, đảo, nói về việc đánh bắt xa bờ. Vì vậy yêu cầu học sinh phải kết hợp kiến thức các bài lại. Học sinh học thuộc lòng, học tủ, khó có thể làm được đề thi này”.
Nhận xét về cách ra đề kiểu này, ông Lịch bày tỏ: “Không cách nào khác hướng thế hệ trẻ quan tâm tới những vấn đề thời sự, đặc biệt là những vấn đề sống còn của đất nước là để học sinh được học nhiều hơn và cần nhiều những đề thi mang đậm hơi thở cuộc sống như vậy”.
Chủ động ôn những vấn đề nóng
Cô Nguyễn Kim Tường Vi, Tổ trưởng sử - địa - giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), cho biết: “Thật ra trong mấy năm gần đây, đề thi môn địa lý đều có chủ ý nhắc đến chủ quyền dù nhiều hay ít. Vì vậy, giáo viên trong trường đều hiểu chuyện này và hay nhắc nhở học sinh quan tâm. Nhất là năm nay, khi chủ quyền biển, đảo đang là chuyện nóng thì học sinh càng được nhắc để ý nhiều hơn. Có lẽ học sinh trường tôi sẽ làm được khá tốt đề thi này”.
Tại hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, một nhóm học sinh của Trường THPT Bùi Thị Xuân bàn tán sôi nổi về đề thi. Các học sinh này cho biết nhân thấy chuyện biển Đông đang là nóng, nhóm học sinh này cũng để ý và ôn tập thêm về biển, đảo. Thu Thủy - học sinh Trường THPT Trưng Vương, cho biết: “Em tự ôn thi và làm khá tốt câu này. Kiến thức câu này nằm trong các vùng kinh tế và em cũng để ý đến chuyện chủ quyền biển, đảo, an ninh quốc phòng trong sách giáo khoa”.
Kết thúc hai môn thi ngày hôm qua, phần lớn các thí sinh đều cho biết đề thi nhẹ nhàng, có nhiều khả năng đạt từ 7-8 điểm trở lên.