(Dân trí) - Phần không gian dưới mặt đất các đô thị lớn của Việt Nam được ví von là những “mỏ vàng” nhưng chưa được khai thác. Vì giá đất TPHCM ngày càng cao, nhu cầu phát triển công trình ngầm là rất lớn.
UBND TPHCM đã giao Sở Nội vụ nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý công trình ngầm và đề xuất ban hành cơ chế phối hợp trong việc đầu tư xây dựng công trình này trên địa bàn TP. Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần khẩn trương hoàn thành đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị trên địa bàn TP. Trước mắt là ưu tiên nghiên cứu đối với khu trung tâm TP mở rộng 930ha.
Hiện TPHCM ngày càng phát triển nhiều công trình ngầm quy mô lớn như bãi đậu xe, metro… nhưng cơ chế quản lý chưa có, bản đồ hiện trạng công trình ngầm của TP cũng chưa có… Hệ quả là hàng loạt công trình ngầm của TP suốt nhiều năm nay vẫn chỉ là dự án trên giấy; các công trình lớn như dự án Cải thiện môi trường nước, dự án Cải thiện môi trường đô thị cứ đào là đụng phải công trình ngầm mà ngay cơ quan quản lý cũng không biết là ở đâu ra…
Trong 1 hội thảo về công trình ngầm, TS. Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đã ví von phần không gian dưới mặt đất các đô thị lớn của Việt Nam là những “mỏ vàng” nhưng chưa được khai thác. Vì giá đất TPHCM ngày càng cao, nhu cầu phát triển công trình ngầm là rất lớn.
Do vậy, nhu cầu thành lập 1 tổ chức quản lý công trình ngầm và cơ chế phối hợp trong việc đầu tư xây dựng công trình ngầm là rất cấp thiết để khai thác “mỏ vàng” này.
Liên quan đến công trình ngầm, TP cũng vừa yêu cầu các sở-ngành liên quan khi hoàn chỉnh phương án thiết kế Quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm cần bổ sung thiết kế giao thông ngầm trong khu vực, nối với các tòa nhà hai bên Quảng trường.
Các tuyến đi bộ sẽ được bố trí gắn kết với các trung tâm mua sắm giữa bờ Đông và bờ Tây sông Sài Gòn. Đường dẫn vào cầu đi bộ sẽ bố trí các nhánh rẽ ở hai đầu khu công viên, tạo thành một không gian Quảng trường mở...